Cổng thông tin điện tử huyện Hậu Lộc
  • Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 1

    Hôm nay: 14

    Đã truy cập: 94942

Tài liệu hỏi đáp về chuyển đổi số

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong thời đại ngày nay, đó là cơ hội bứt phá cho Việt nam nói chung và các doanh nghiệp nói riêng vượt lên trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chuyển đổi số tạo nên đột phá to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; phương thức sống, làm việc của người dân và toàn xã hội dựa trên công nghệ số. Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số.Chuyển đổi số không chỉ giúp tăng năng suất, giảm chi phí mà còn mở ra không gian phát triển mới, tạo ra các giá trị mới ngoài các giá trị truyền thống vốn có

Để nhân dân hiểu rõ về chuyển đổi số Ban biên tập Trang TTĐT xã Quảng Phúc trân trọng gửi tới quý vị và nhân dân một số câu hỏi đáp về chuyển đổi số như sau: 
Câu 1: Lịch sử nhân loại đã trải qua các  cuộc cách mạng công nghiệp nào? 
Trả lời:  
Lịch sử nhân loại đã trải qua 4 cuộc cách  mạng công nghiệp, gồm:  
- Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất  bắt đầu khoảng năm 1784, với sự ra đời của động  cơ hơi nước. Đặc trưng của cuộc cách mạng công  nghiệp này là việc sử dụng năng lượng nước, hơi  nước và cơ giới hóa sản xuất.  
- Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ hai diễn  ra khoảng năm 1870 đến khi Chiến tranh thế giới  thứ nhất nổ ra, với sự phát triển của ngành điện, vận  tải, hóa học và dây chuyền lắp ráp sản xuất hàng  loạt. Đặc trưng của cuộc cách mạng công nghiệp  này là việc sử dụng năng lượng điện và sự ra đời của  các dây chuyền sản xuất hàng loạt trên quy mô lớn.
- Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ ba  xuất hiện vào khoảng từ 1969, với sự ra đời và lan  tỏa của công nghệ thông tin, sử dụng điện tử và  công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất, với  sự phát triển của chất bán dẫn, siêu máy tính, máy  tính cá nhân (thập niên 1970 và 1980) và Internet  (thập niên 1990). 
- Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư  (hay còn gọi là Cách mạng Công nghiệp 4.0), xuất  phát từ khái niệm “Industrie 4.0” trong một báo  cáo của chính phủ Đức năm 2013, đang tiếp diễn  cho đến ngày nay. Yếu tố cốt lõi của Cách mạng  Công nghiệp 4.0 là: trí tuệ nhân tạo (AI), vạn vật  kết nối - Internet of Things (IoT) và dữ liệu lớn  (Big Data). Cách mạng Công nghiệp 4.0 tạo ra  những bước nhảy vọt trong nông nghiệp, thủy sản,  y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường,  năng lượng tái tạo, hóa học, vật liệu, robot thế hệ  mới, máy in 3D, xe tự lái, công nghệ nano...  
Câu 2: Công nghệ số là gì ? 
Trả lời:  
Công nghệ số, hiểu theo nghĩa hẹp, là một bước  phát triển cao hơn, là bước phát triển tiếp theo của công nghệ thông tin, cho phép tính toán nhanh hơn,  xử lý dữ liệu nhiều hơn, truyền tải dung lượng lớn  hơn, với chi phí rẻ hơn. Còn hiểu theo nghĩa rộng,  công nghệ số là một trong các nhóm công nghệ  chính của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư,  với đại diện là công nghệ điện toán đám mây, dữ  liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, thực tế ảo… 
Câu 3: Chuyển đổi số là gì? 
Trả lời:  
Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và  toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách  làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công  nghệ số. Đó là quá trình khai thác các dữ liệu đã  được số hóa, rồi áp dụng các công nghệ để phân tích,  biến đổi các dữ liệu và tạo ra các giá trị mới hơn. 
Chuyển đổi số có ba cấp độ chính: 
Cấp độ 1: Cấp độ căn bản - số hóa  (digitization): là quá trình ứng dụng công nghệ  thông tin để chuyển đổi các hình thức dữ liệu sang  dạng số; đồng thời, chuẩn hóa và đồng bộ nhằm  tạo thành cơ sở dữ liệu số. 
Cấp độ 2: Cấp độ trung gian của chuyển đổi  số - ứng dụng số hóa (digitalization): là quá trình phát triển các ứng dụng công nghệ số, các giao  thức mới, các hình thức hoạt động mới... dựa trên  nền tảng hạ tầng số, cơ sở dữ liệu số. 
Cấp độ 3: Cấp độ chuyển đổi số (digital  transformation): là cấp độ cao nhất hướng đến sự  thay đổi toàn diện dựa trên công nghệ số.  
Câu 4: Chính phủ số là gì? 
Trả lời:  
Chính phủ số bản chất là chính phủ điện tử, bổ  sung những thay đổi về cách tiếp cận, cách triển  khai mới nhờ vào sự phát triển của công nghệ số.  Chính phủ số giúp Chính phủ hoạt động hiệu lực,  hiệu quả, minh bạch hơn, hạn chế tham nhũng,  kiến tạo sự phát triển cho xã hội. Chính phủ số  đặt ra mục tiêu chính là phục vụ người dân, doanh  nghiệp và xã hội tốt hơn.  
Chính phủ số có bốn đặc điểm chính: (1) có  toàn bộ hoạt động an toàn trên môi trường số; (2)  có khả năng cung cấp dịch vụ mới nhanh chóng;  (3) có khả năng sử dụng nguồn lực tối ưu; (4) có  khả năng kiến tạo phát triển, dẫn dắt chuyển đổi  số quốc gia, giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn  trong phát triển và quản lý kinh tế - xã hội.
Câu 5: Chính quyền số là gì? 
Trả lời:  
Chính quyền số là chính phủ số được triển  khai tại các cấp chính quyền địa phương (cấp tỉnh,  cấp huyện, cấp xã); là việc chuyển đổi các phương  pháp, cách thức xử lý, giải quyết công việc bằng  áp dụng công nghệ số dựa trên dữ liệu tổng hợp có  sự liên kết, chia sẻ linh hoạt để nâng cao hiệu quả  hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính  trị, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn,  thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. 
Câu 6: Chính phủ số (chính quyền số) đem  lại lợi ích gì cho người dân? 
Trả lời:  
Khi Chính phủ số (chính quyền số) được xây  dựng và hoàn thiện, 100% cơ sở dữ liệu quốc  gia về dân cư, đất đai, đăng ký doanh nghiệp, tài  chính, bảo hiểm… được số hóa và kết nối, chia sẻ  trên toàn quốc, cho phép các cơ quan nhà nước  từ Trung ương đến địa phương cung cấp dịch vụ  công hiệu quả, kịp thời. Mọi người dân đều có  thể truy cập tới các thủ tục hành chính thông qua  phương tiện điện tử như: Internet, điện thoại di động, truyền hình tương tác. Như vậy, Chính phủ  số (chính quyền số) đem đến các dịch vụ công  cho người dân ở mức độ thuận tiện nhất, thấu hiểu  người dân hơn, chăm sóc người dân tốt hơn.  
Câu 7: Kinh tế số là gì? 
Trả lời:  
Kinh tế số được hiểu là một nền kinh tế vận  hành chủ yếu dựa trên công nghệ số, dữ liệu số để  tăng năng suất lao động; sử dụng mạng Internet,  mạng công nghệ thông tin làm không gian hoạt  động chính. Kinh tế số bao gồm tất cả các lĩnh vực  và nền kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, dịch  vụ; sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hóa, giao  thông vận tải, logistic, tài chính ngân hàng,…) mà  công nghệ số được áp dụng. 
Câu 8: Xã hội số là gì?  
Trả lời:  
Xã hội số là xã hội của con người trong môi  trường số, cung cấp nhiều dịch vụ và nền tảng  số giúp cho cuộc sống con người được thuận  tiện và dễ dàng; tạo ra nhiều việc làm với năng  suất lao động cao hơn, xã hội an toàn và nhân  văn hơn.
Câu 9: Xã hội số đem lại lợi ích gì cho  người dân? 
Trả lời:  
Xã hội số lấy con người làm trung tâm, đem lại  nhiều lợi ích cho con người như: xóa nhòa khoảng  cách địa lý, đem lại bình đẳng cho người dân về  tiếp cận dịch vụ, mang lại một loạt những tiến bộ  lớn về chất lượng cuộc sống; người dân có thể sống  khỏe mạnh hơn nhờ các hình thức chăm sóc y tế kịp  thời, hiệu quả; tiếp nhận được giá trị mới của văn  hóa và xã hội, giao tiếp xã hội rộng rãi, vui vẻ hơn  với các hình thức giải trí đa dạng và an toàn; thực  hiện các hình thức dạy và học đa dạng và phong  phú, linh động hơn; người dân thu nhận được nhiều  hiểu biết và tri thức mới mỗi ngày; làm cho công  việc có sự tự động hóa cao; chuyển đổi số còn giúp  đào tạo kiến thức mới, tạo ra những công cụ mới để  con người có thể thực hiện được các công việc mới,  khuyến khích thế hệ trẻ tích cực học tập, đổi mới tư  duy hướng đến khởi nghiệp sáng tạo. 
Câu 10: Công dân số là gì?  
Trả lời:  Theo các chuyên gia, công dân số gồm 09  yếu tố cấu thành: (1) Có khả năng sử dụng máy tính, truy cập internet, sử dụng các ứng dụng trên  điện thoại thông minh; (2) có khả năng mua, bán  hàng hóa trong môi trường số; (3) khả năng giao  tiếp trong môi trường số; (4) có kỹ năng tìm kiếm,  xử lý thông tin trong môi trường số; (5) có chuẩn  mực đạo đức trong môi trường số; (6) có quyền và  trách nhiệm trong môi trường số; (7) chấp hành  những quy tắc nhất định trong môi trường số như:  vi phạm bản quyền, tạo và phát tán virus, đánh  cắp thông tin, giả mạo định danh; (8) có sức khỏe  về thể chất và tâm lý trước các ảnh hưởng từ môi  trường số; (9) có kiến thức, kỹ năng để đảm bảo  an toàn khi hoạt động trên môi trường số. 
Công dân số là người có kỹ năng sử dụng các  thiết bị kỹ thuật số (máy tính, điện thoại di động)  để tương tác, kết nối với các cá nhân, tổ chức, cộng  đồng trong xã hội. Công dân số tạo nên xã hội số. 
Câu 11: Vì sao Việt Nam cần phải chuyển  đổi số? 
Trả lời: 
Việt Nam là quốc gia đang phát triển nên  chuyển đổi số là cơ hội lớn cho Việt Nam ứng  dụng cái mới, thành quả phát triển công nghệ số  thế giới, để từ đó phát triển đột phá vươn lên, thay đổi thứ hạng quốc gia. Trong đó, Chính phủ số  (hay chính quyền số đối với cấp địa phương) giúp  nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong  hệ thống chính trị, phục vụ người dân và doanh  nghiệp tốt hơn, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.  Kinh tế số thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra giá trị  mới, giúp tăng năng suất lao động, tạo động lực  tăng trưởng mới. Xã hội số giúp người dân bình  đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức,  thu hẹp khoảng cách phát triển. Các ngành, lĩnh  vực được tối ưu, thông minh hóa hướng đến nâng  cao chất lượng phục vụ cuộc sống của người dân. 
Câu 12: Chuyển đổi số trong cơ quan nhà  nước thực hiện như thế nào? 
Trả lời: 
Chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước là  hoạt động phát triển chính phủ số của các cơ quan  trung ương và tương ứng với đó là hoạt động phát  triển chính quyền số, đô thị thông minh của các cơ  quan chính quyền các cấp ở địa phương. 
Chuyển đổi số cơ quan nhà nước tập trung  vào phát triển hạ tầng số, phục vụ các cơ quan  nhà nước một cách tập trung, thông suốt; tạo lập  dữ liệu về kinh tế - xã hội phục vụ ra quyết định chính sách; tạo lập dữ liệu mở dễ dàng truy cập, sử  dụng, tăng cường công khai, minh bạch, phòng,  chống tham nhũng, thúc đẩy phát triển các dịch  vụ số trong nền kinh tế; cung cấp dịch vụ công  trực tuyến mức độ cao, cả trên thiết bị di động để  người dân, doanh nghiệp có trải nghiệm tốt nhất  về dịch vụ, nhanh chóng, chính xác, không giấy  tờ, giảm chi phí. 
Câu 13: Chuyển đổi số trong lĩnh vực du  lịch, dịch vụ thực hiện như thế nào? Trả lời:  
Chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ có  thể hiểu là sự chuyển dịch từ mô hình kinh doanh,  tiếp thị truyền thống sang tập trung vào khách hàng  theo mô hình chuỗi giá trị số (digital value chain)  dựa trên dữ liệu. Chuyển đổi số trong lĩnh vực du  lịch, dịch vụ cung cấp các sản phẩm du lịch, dịch  vụ theo hướng chất lượng, nhanh chóng, thuận tiện,  đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng.  Một số giải pháp công nghệ đang được ứng dụng  phổ biến trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ như: trí tuệ  nhân tạo (IoT), sử dụng các tiện ích (app) trên thiết  bị di động, tư vấn khách hàng tự động (chatbot), du  lịch thực tế ảo (thiết bị virtual reality)…
Câu 14: Chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế  thực hiện như thế nào? 
Trả lời:  
Chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế là ứng dụng  công nghệ số toàn diện tại các cơ sở khám bệnh;  nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, sử dụng  hồ sơ bệnh án điện tử tiến tới không sử dụng  bệnh án giấy, thanh toán viện phí, hình thành các  bệnh viện thông minh hỗ trợ khám, chữa bệnh từ  xa cho người dân, giúp giảm tải các cơ sở y tế,  hạn chế tiếp xúc đông người, giảm nguy cơ lây  nhiễm bệnh... 
Câu 15: Chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo  dục thực hiện như thế nào?  
Trả lời:  
Chuyển đổi số trong giáo dục là việc áp dụng  công nghệ vào hoạt động quản lý giáo dục (vận  hành, quản lý), vào quá trình dạy - học (đầu tư cơ  sở vật chất, công cụ giảng dạy, đổi mới phương  pháp giảng dạy, tổ chức lớp học thông minh...). 
Chuyển đổi số trong giáo dục giúp lưu trữ  các kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu, theo dõi  chính xác hoạt động của giáo viên, học sinh và người quản lý, quản lý đầy đủ các thông tin, hồ sơ  giáo dục của học sinh rõ ràng, không bị thất thoát  hồ sơ, ghi chép chính xác về lịch sử học tập cũng  như bảng điểm một cách minh bạch; giúp người  học có thể học mọi lúc, mọi nơi; có khả năng tiếp  cận nhiều tài liệu học tập, tiết kiệm thời gian và  chi phí; dễ dàng tìm kiếm thông tin và khai thác  chuyên sâu về các vấn đề quan tâm...  
Câu 16: Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông  nghiệp thực hiện như thế nào? Có lợi ích gì cho  người dân? 
Trả lời:  
Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp là  phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao theo  hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông  nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp  công nghệ số trong nền kinh tế. 
Trong sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi số  giúp người nông dân không chỉ mua phân bón,  thuốc bảo vệ thực vật, giống mà còn mua cả dữ  liệu để phục vụ sản xuất; cho phép người nông  dân số bán toàn bộ quy trình chăm sóc sản phẩm  ngay từ khâu chọn giống tới khi hình thành sản phẩm. Đồng thời, công nghệ số giúp người nông  dân biết tích hợp, kết nối thông tin dữ liệu về  giá cả thị trường, tham gia mua bán tư liệu sản  xuất và các sản phẩm nông sản trên các sàn giao  dịch điện tử; giải quyết tình trạng ùn ứ nông sản  khi vào cao điểm thu hoạch, từ đó giúp người  nông dân giữ giá sản phẩm, tránh bị thương lái  ép giá… 
Câu 17: Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài  chính - ngân hàng thực hiện như thế nào?  Trả lời:  
Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính -  ngân hàng là xây dựng tài chính điện tử và thiết  lập nền tảng tài chính số hiện đại, bền vững,  đồng bộ, cùng với việc triển khai toàn diện công  nghệ số trong các ngành thuế, hải quan, kho bạc,  chứng khoán.  
Chuyển đổi số trong các ngân hàng thương  mại để cung cấp dịch vụ ngân hàng số theo hướng  phát triển đa dạng các kênh phân phối, đổi mới  sáng tạo, tự động hóa quy trình, thúc đẩy hợp tác  với các công ty công nghệ tài chính và trung gian  thanh toán, xây dựng hệ sinh thái dịch vụ tài chính ngân hàng nhằm thúc đẩy đưa dịch vụ tài chính  - ngân hàng đến gần hơn những đối tượng vùng  sâu, vùng xa chưa có khả năng tiếp cận.  
Câu 18: Chuyển đổi số trong lĩnh vực giao  thông vận tải thực hiện như thế nào? Trả lời:  
Chuyển đổi số trong lĩnh vực giao thông vận  tải là phát triển hệ thống giao thông thông minh,  tập trung vào các hệ thống giao thông đô thị,  các đường cao tốc, quốc lộ; chuyển đổi các hạ  tầng logistics như: Cảng biển, cảng thủy nội địa,  hàng không, đường sắt, kho vận…; cho phép  quản lý kết cấu hạ tầng giao thông số, đăng ký  và quản lý phương tiện kinh doanh vận tải, quản  lý người điều khiển phương tiện giao thông qua  hồ sơ số...  
Câu 19: Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài  nguyên và môi trường thực hiện như thế nào? Trả lời:  
Xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ  liệu toàn diện nhằm quản lý hiệu quả lĩnh vực  tài nguyên và môi trường, như: Cơ sở dữ liệu về  đất đai, quan trắc tài nguyên môi trường, đa dạng sinh học, nguồn thải, viễn thám, biển và hải đảo,  biến đổi khí hậu, khí tượng - thủy văn, địa chất -  khoáng sản...; xây dựng bản đồ quốc gia mở làm  nền tảng phát triển các dịch vụ số phát triển kinh  tế - xã hội; triển khai các giải pháp thông minh  trong quan trắc, giám sát, quản lý, xử lý sự cố môi  trường, cảnh báo sớm thiên tai... 
Câu 20: Chuyển đổi số trong lĩnh vực sản  xuất công nghiệp thực hiện như thế nào? Trả lời: 
 Chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất công  nghiệp theo hướng chú trọng phát triển các trụ  cột: Xây dựng chiến lược và cơ cấu tổ chức thông  minh, xây dựng nhà máy thông minh, vận hành  thông minh, tạo ra các sản phẩm thông minh, xây  dựng dịch vụ về dữ liệu và phát triển kỹ năng số  cho người lao động. 
Câu 21: Chuyển đổi số trong doanh nghiệp  thực hiện như thế nào?  
Trả lời: 
Chuyển đổi số trong doanh nghiệp là quá  trình thay đổi mô hình cũ, mô hình truyền thống  sang dạng doanh nghiệp số, dựa trên những ứng dụng công nghệ mới, nhằm thay đổi phương thức  điều hành, quy trình làm việc và văn hóa lao động  trong doanh nghiệp. Từ đó, giúp doanh nghiệp  tăng năng suất lao động, nâng cao vị trí cạnh  tranh, thúc đẩy tăng trưởng doanh thu, mở rộng  thị trường. 
Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích cho  doanh nghiệp, như: Giúp doanh nghiệp hoạt động  hiệu quả và minh bạch hơn, kịp thời giải quyết các  vấn đề phát sinh và hạn chế sự tắc nghẽn trong  quá trình vận hành, khai thác được tối đa năng lực  làm việc của người lao động trong doanh nghiệp;  người điều hành, quản lý doanh nghiệp có thể chủ  động và dễ dàng truy xuất báo cáo về hoạt động  của doanh nghiệp, đánh giá chính xác chất lượng  công việc của từng nhân viên...  
Câu 22: Người dân cần làm gì để tham gia  chuyển đổi số? 
Trả lời:  
Để tham gia vào chuyển đổi số, mỗi người  dân cần trang bị cho mình những kiến thức và kỹ  năng như: Biết sử dụng các thiết bị kết nối như  máy tính, điện thoại thông minh; biết sử dụng internet; biết cách thanh toán trực tuyến; có kỹ  năng, khả năng bảo đảm an toàn khi tham gia môi  trường số; biết cách sử dụng một số ứng dụng thao  tác trên môi trường internet…  
Câu 23: Người dân cần làm gì để đảm bảo  an toàn trên môi trường số? 
Trả lời: 
Để đảm bảo an toàn trên môi trường số, mỗi  người dân cần: (1) Nâng cao kiến thức, hiểu biết  pháp luật về sử dụng thông tin số, ứng xử trên  mạng xã hội; (2) Kiến thức chung về công nghệ  thông tin; (3) Kiến thức cơ bản về chuyển đổi số;  (4) Kiến thức chung về an toàn thông tin; (5) Kỹ  năng sử dụng ứng dụng, dịch vụ, tiện ích số trên  những thiết bị điện tử, công nghệ như điện thoại  thông minh, máy tính bảng, máy tính; (6) Khi gặp  sự cố thì liên hệ với các cơ quan có chức năng  giám sát an toàn thông tin, không gian mạng để  được tư vấn, hỗ trợ.
Trên đây là một số câu hỏi đáp về chuyển đổi số đài truyền thanh thông tin để quý vị và nhân dân hiểu rõ. Xin cảm ơn quý vị và nhân dân đã lắng nghe!